Nguyên tắc thận trọng trong kế toán

Nguyên tắc thận trọng trong kế toán

Mình biết bạn Duyên – chủ hợp tác xã (HTX) nông dược Gottafarm ở Thái Thụy – Thái Bình qua chương trình thanh niên trẻ khởi nghiệp xuất sắc. Mình follow bạn ấy và chưa một lần nói chuyện. Mình có mua sản phẩm của bạn ấy là bột đắp đau xương khớp và dùng cho tấm lưng yêu của mình. Từ đó mình tìm hiểu bạn. Qua cách làm mình khâm phục bạn ấy ở tính cẩn thận trong từng công việc, từng sản phẩm và từng chi tiết nhỏ.

Nguyên tắc thận trọng trong kế toán

Mình xin trích dẫn lại nguyên văn bài viết của bạn để các bạn kế toán tham khảo cách làm :

Duyên có thể hỏi các bạn một câu không?
 
– Một ngày đẹp trời, vườn của chúng ta được thu hoạch với sản lượng dồi dào, nếu bán tươi không kịp thì sẽ bị thối hỏng, vậy chúng ta nên làm gì?
 
1. Cố sống cố chết bán tươi nhiều nhất có thể, được đồng nào hay đồng đó.
 
2. Phần tươi bán không nổi nữa thì ủ làm phân bón cho vườn.
 
3. Làm thành sản phẩm chế biến rồi bán dần sau.
 
Nếu bạn chọn học cách chế biến sản phẩm, chắc chắn nên đi từ đơn giản, đầu tư nhỏ. Bài chia sẻ của Duyên hi vọng có thể tạo thêm cảm hứng cho anh chị em đang làm vườn, chuẩn bị đi vào sản xuất nhỏ thì hãy tự tin là chúng ta đều có thể làm tốt và chuyên nghiệp được, kể cả đang làm handmade. (ảnh: Hàng phỏng gạo handmade vẫn vào được siêu thị ở Singapore)
 
Duyên học ngành sư phạm ngoại ngữ, không liên quan gì đến sản xuất, kinh doanh hay quản trị doanh nghiệp. Năm 2016 Duyên khởi nghiệp lần 2 là mở cơ sở chuyên gia công hàng thảo dược khô. Công việc khá tốt đẹp cho đến một ngày đẹp trời khách báo hàng lỗi và liên tục bắt đền. Lúc đó không có cách nào truy xuất được lỗi nằm ở khâu nào (kể cả phát sinh từ phía mình hay sau khi đã giao sang phía khách). Duyên thiệt hại rất nhiều cả về uy tín và tiền bạc.
 
Năm 2018 Duyên ly hôn, về quê sống và khởi nghiệp lại lần 3. Lần khởi nghiệp này (chính là dự án Nông Dược Gotafarm bây giờ) Duyên xin vào làm tại công ty Yazaki trong 6 tháng, mục đích chính là muốn xem cách người Nhật họ quản lý trong nhà máy sản xuất của họ như thế nào. Cứ buổi sáng đi làm công nhân sản xuất dây điện, buổi chiều lại về làm vườn. (video: Hồ sơ truy xuất các lô nguyên liệu được đánh số từ năm 2018). Nghĩ lại thấy mình thật là siêu, mỗi ngày bê gần 1 tấn dây điện mà không biết mệt mỏi. Chiều về lại bò ra vườn đến tối mỉn.
 
Sau hơn 4 năm khởi nghiệp lần 3, đến hôm qua Duyên vinh dự đón đoàn kiểm tra liên ngành về check cơ sở và được công nhận bởi 4 cái gật đầu (xem ảnh: Biên bản làm việc tại Gotafarm ngày 14/9), mặc dù cơ sở của Gotafarm đang cực kỳ khiêm tốn, chỉ có vỏn vẹn 200m2 và chưa có máy móc hiện đại. Các công đoạn hầu như đang handmade thô sơ (xem bộ ảnh: hình ảnh chế biến sản xuất, biển phân chia các khu vực).
Duyên sẵn sàng chia sẻ phương pháp Duyên đang áp dụng để kiểm soát số lượng-chất lượng hàng hóa tại cơ sở sản xuất Gotafarm cho các bạn nào đang thực sự cần. Duyên và chị em Gotafarm cũng đang phấn đấu để đạt đến mục tiêu: khi bạn bước vào trong cơ sở sản xuất, nhặt lên một thứ bất kỳ gì đó, sau 1 tiếng Duyên có thể cho bạn biết được tất cả các thông số liên quan cần thiết (thu hái từ vườn nào, ngày sản xuất, lô nào, các công đoạn nào, ca làm việc của ai, thành phần cụ thể và điều kiện sản xuất cụ thể, lịch sử xuất nhập kho ra sao…) tất cả chỉ được ghi chép bởi tay (hand writing) chứ chưa có phần mềm nào cả. Duyên làm được thì bất cứ anh chị em nào cũng làm được. (Xem bộ ảnh gồm Kanban sản xuất và Nhật ký sản xuất các bộ phận). Sau khi áp dụng phương pháp quản lý sản xuất mà Duyên học mót được từ Yazaki (và trau dồi thêm qua quá trình làm việc) thì những cái lợi Duyên nhận được là:
 
1) tăng năng suất lao động (cơ sở Gotafarm chỉ có số lượng 3 full time mà năng suất lao động cực kỳ cao)
 
2) chất lượng các lô hàng tương đối đồng đều, nếu xảy ra vấn đề lỗi có thể phát hiện và xử lý được ngay.
 
3) giảm lãng phí trong sản xuất
 
Câu chuyện nghề Duyên đã chia sẻ Tập 1-2 về lần khởi nghiệp lần đầu tay trắng làm nên đống nợ trên nhóm Liên Minh NNTT rồi ạ, các bạn tìm đọc nhé. Chuyện lần này cũng dài rồi, Duyên xin cám ơn và hẹn gặp lại ạ ❤️
 
Từ câu chuyện của bạn mình liên tưởng tới nghề nghiệp của mình, Nguyên tắc cơ bản thứ 6 trong kế toán chính là nguyên tắc thận trọng. Đây là nguyên tắc buộc kế toán phải luôn có và đưa ra được các phán đoán, sau đó thận trọng xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng để lập các kế hoạch, phương pháp kế toán trong trường hợp không có sự chắc chắn.

Kế toán phải hết sức lưu ý khi lập các khoản dự phòng không quá lớn, các khoản dự phòng không đánh giá cao hơn giá trị của tài sản và các khoản thu thập, không được đánh giá thấp các giá trị của khoản nợ và khoản chi, chỉ được ghi nhận doanh thu khi có bằng chứng chắc chắn, khi có bằng chứng phát sinh chi phí mới được ghi nhận các khoản chi phí phát sinh. Phương pháp thận trọng chính là một trong những phương pháp giúp doanh nghiệp hạn chế các rủi ro về mặt tài chính.

Trong cuộc sống hàng ngày có lẽ con người sẽ bắt đầu từ 2 chữ “cẩn thận”. Cẩn thận với bản thân người viết là tập trung làm một việc gì đó và sau khi hoàn thành thường xem lại từng chi tiết để xem có sai sót gì không.Người có tính cẩn thận luôn đảm bảo công việc thực hiện chính xác và ít rủi ro. 

Có người nói nó là ảnh hưởng của nghề kế toán – mình không nghĩ vậy. Đó là do tính cách và sự rèn luyện của mỗi con người một cách nghiêm túc. 

Mình chúc các bạn thành công và tốt hơn lên mỗi ngày !

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *